Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Cách xoa bóp chữa vẹo khớp cổ chân

Vẹo khớp cổ chân gây thương tổn phía mắt cá ngoài, biểu hiện chủ yếu là đau tại chỗ, tăng lên khi vận động, kèm theo sưng nề...

Khi lâm vào tình trạng này, có thể sử dụng liệu pháp xoa bóp đơn giản như sau:
- Để người bệnh nằm ngửa, co chân đau trong tư thế thoải mái.
- Xoa và day xung quanh vùng đau từ trong ra ngoài, từ nhẹ đến mạnh, từ trên xuống dưới để làm lưu thông huyết mạch, phòng chống xung huyết.
- Miết từ chỗ sưng ở mắt cá xuống các ngón chân để làm giảm phù nề và giảm đau.
- Day ấn từ nhẹ đến mạnh các huyệt Giải khê (lấy ở trên nếp gấp trước khớp cổ chân, ở chỗ lõm giữa hai gân cơ, bảo người bệnh vểnh bàn chân để hiện rõ), Côn lôn (nằm ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá ngoài và bờ sau gân gót) và Thái khê (nằm ở chỗ lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá trong và bờ sau gân gót), mỗi huyệt chừng 1 phút.
- Xác định điểm đau nhất, dùng ngón tay cái xoa day từ nhẹ đến mạnh chừng 2 phút, đồng thời bảo bệnh nhân nhẹ nhàng cử động khớp cổ chân.
- Sử dụng một trong những bài thuốc Nam đơn giản để bó đắp khớp cổ chân:
(1) Nghệ vàng 1 củ, gừng tươi 1 củ, lá ngải cứu 1 nắm, tất cả rửa sạch, giã nát, sao qua với một chút rượu trắng, đắp vào vùng tổn thương;
(2) Rễ cỏ xước (thổ ngưu tất) 1 nắm, rửa sạch, giã nát, bó vào khớp cổ chân;
(3) Tỏi tươi lượng vừa đủ, giã nát, đắp vào nơi đau trong 30 phút, ngày làm 2 lần;
(4) Lá thanh táo 1 nắm, rửa sạch, giã nát, bó vào khớp cổ chân;
(5) Lá náng 1 nắm, rửa sạch, giã nát, sao qua với một chút rượu trắng, đắp vào nơi đau.
- Sau khi tiến hành liệu pháp xoa bóp như trên, nếu người bệnh đỡ đau, tại chỗ đỡ sưng nề, cổ chân vận động tốt thì có thể tiếp tục điều trị tại nhà. Nếu không thấy tiến bộ thì nhất thiết phải đến các cơ sở y tế để khám và lựa chọn phương thức trị liệu thích đáng.

Theo Khoa học và Đời sống

1 nhận xét: