Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Chứng âm lãnh ở nam giới

Âm lãnh là một chứng bệnh không còn hiếm gặp ở nam giới, biểu hiện bằng tình trạng bộ phận sinh dục có cảm giác lạnh lẽo kèm theo bụng dưới lạnh đau, suy giảm ham muốn tình dục...



Nguyên tắc trị liệu: Phải "biện chứng luận trị"

Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu của chứng bệnh này là do thận dương hư nhược, hàn tà ngưng trệ ở can mạch hoặc thấp nhiệt lưu trú ở can kinh gây nên.

Để trị liệu, nguyên tắc cơ bản là phải "biện chứng luận trị", nghĩa là căn cứ vào chứng trạng cụ thể để tiến hành phân thể bệnh rồi lựa chọn các bài thuốc, vị thuốc cho phù hợp.

Ví như với thể thận dương hư nhược (còn gọi là thận dương bất túc), phải ôn thận tráng dương, thường dùng bài thuốc phù mệnh sinh hỏa đan gia giảm (gồm các vị thuốc như nhung hươu, ba kích, phụ tử chế, nhục quế, nhục thung dung, đỗ trọng, thục địa, sơn thù du, ngũ vị tử, nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật); với thể hàn ngưng can mạch thì phải bổ thận noãn can, ôn kinh tán hàn, thường dùng bài thuốc noãn can tiễn phối hợp với bài tiêu quế thang (gồm các vị thuốc như nhục quế, xuyên tiêu, ngô thù du, tiểu hồi hương, trầm hương, ô dược, thanh bì, sài hồ); với thể can kinh thấp nhiệt phải thanh nhiệt lợi thấp, thường dùng bài thuốc long đởm tả can thang (gồm các vị thuốc như long đởm thảo, chi tử, hoàng cầm, sài hồ, xa tiền tử, mộc thông, trạch tả, đương quy, sinh địa)...

Trọng dụng thực phẩm bổ thận trợ dương



Về xoa bóp, trước hết dùng bàn tay hoặc ba ngón tay (ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn) khép lại, xát bụng dưới theo đường trục giữa từ trên xuống dưới và ngược lại (hình 1), mỗi phút thực hiện khoảng 120 lần. Tiếp đó, dùng khối cơ dưới hai ngón tay cái của hai bàn tay xát dọc hai bên thăn cột sống thắt lưng (hình 2), mỗi phút 120 đến 160 lần. Cuối cùng, dùng một bàn tay xát dọc xương cùng cụt (hình 3) với tốc độ 120 lần trong 1 phút. Quy trình này tiến hành mỗi ngày 2 lần vào buổi tối, trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy.

Về ăn uống, nên trọng dụng các đồ ăn thức uống có công dụng bổ thận trợ dương như thịt dê, thịt chó, thịt chim sẻ, trứng chim cút, bồ dục heo, ngầu pín, đuôi bò, tinh hoàn động vật, tôm, hải mã, rau hẹ, long nhãn, hạt tiêu, tiểu hồi, đông trùng hạ thảo, tắc kè...

Để phòng bệnh, trong sinh hoạt hằng ngày phải hết sức tránh cảm lạnh. Nhà ở phải ấm áp và thoáng khí, hạn chế ăn thức ăn tanh lạnh. Trong sinh hoạt tình dục tránh bị nhiễm lạnh, tuyệt đối không tắm lạnh ngay sau khi động phòng và nên vệ sinh bộ phận sinh dục bằng nước ấm.


Theo Người lao động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét