Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Xoa bóp phòng cảm lạnh

Cơ thể được bảo vệ khỏi tà khí bên ngoài nhờ da, lông và vệ khí. Nếu ta yếu mệt, chức năng của hệ thống nói trên sẽ suy giảm, tạo điều kiện cho tà khí xâm nhập. Điều này ảnh hưởng xấu đến các kinh lạc và dẫn đến cảm lạnh, nhất là khi trời đột ngột trở lạnh hoặc mưa.

Theo học thuyết Kinh lạc, việc châm cứu, xoa bóp một số huyệt nhất định trên cơ thể sẽ thúc đẩy sự lưu thông khí huyết, từ đó làm tăng sức đề kháng với bệnh tật. Để phòng ngừa bệnh cảm lạnh, bạn có thể thực hiện 4 động tác sau:

Hình 1: Huyệt nghinh hương.
Động tác 1: Đan các ngón của hai bàn tay vào nhau, hai ngón tay cái tự do, xát phần gan 2 ngón tay cái với nhau cho tới khi nóng lên. Vẫn giữ nguyên tư thế của bàn tay, dùng hai ngón cái xát từ trước trán, phần gốc mũi sang hai bên thành và cánh mũi, tới huyệt nghinh hương (điểm gặp nhau của đường ngang qua chân cánh mũi và rãnh mũi má - hình 1). Xát khoảng 15-20 lần cho đến khi vùng đó nóng lên. Lực xát vừa phải, đừng mạnh quá để không gây tổn thương da.
Động tác này có tác dụng tăng lưu thông khí huyết vùng mũi, làm ấm không khí đi qua mũi, ngăn ngừa khí lạnh xâm nhập gây bệnh.

Hình 2: Huyệt hợp cốc.
Động tác 2: Day huyệt hợp cốc bên trái khoảng 15 lần bằng đầu ngón tay cái của tay phải, sau đó đổi tay để day huyệt hợp cốc bên kia. Day vừa phải, có cảm giác tê tức là được.
Cần xác định thật đúng vị trí huyệt hợp cốc: Xòe rộng ngón cái và ngón trỏ, đặt nếp gấp đốt 1-2 của ngón cái bên kia vào mép da căng giữa hai ngón, áp đầu ngón cái đó xuống khoảng giữa hai xương đốt bàn tay. Đầu ngón cái ở đâu, chỗ đó là huyệt hợp cốc, ấn vào có cảm giác tê tức là đúng (hình 2).
Việc day hợp cốc có tác dụng đuổi tà khí gây bệnh ở phần biểu, phần nông của cơ thể ra ngoài.

Hình 3: Xoa vùng mặt và tai.
Động tác 3: Xát hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng lên, áp vào mặt từ trước trán, xát xuống dọc theo hai bên mũi tới hàm dưới; sau đó xát vòng sang hai bên mặt, má (lòng bàn tay phải áp sát da mặt). Khi tới vành tai, dùng ngón cái và ngón trỏ để xát, kéo nhẹ hai vành tai ra ngoài cho tới khi nóng đỏ lên. Làm từ 15 đến 20 lần (hình 3).
Động tác xát mặt giúp tăng cường tuần hoàn tại chỗ. Theo Đông y, tai là nơi hội tụ của các đường kinh nên việc xát và kéo vành tai cũng có tác dụng bảo vệ sức khỏe.
Động tác 4: Day huyệt nghinh hương hai bên với lực day vừa phải để tăng luồng không khí qua mũi. Động tác này giúp phòng và chữa tình trạng ngạt, tắc mũi do lạnh rất hiệu quả.
Lưu ý: Để việc xoa bóp có hiệu quả cao, cần thực hiện đều đặn hằng ngày. Trước khi xoa, phải rửa tay sạch sẽ, cắt gọn móng để tránh gây tổn thương, nhiễm trùng da.
ThS Phạm Đức Dương

1 nhận xét: